Chữ Hán do nhiều nét tổ hợp thành, trong một chữ thường nhiều những nét tương đồng, ví dụ chữ書 có 8 nét ngang, khi các nét này sắp xếp cùng nhau, để tránh sự trùng lặp, không thể không có sự biến hóa khi tạo hình, cơ sở cho sự biến hóa này là hình dạng, to nhỏ, phương hướng và vị trí của đường nét, những điều đó thuộc phạm trù thể thế. Vì vậy, chúng ta gọi nó là biến hình thể thế. Tôn Quá Đình trong Thư Phổ nói: “至如數畫並施,其形各異,眾點齊列,為態互乖... 違而不犯,和而不同 Chí như sổ họa tịnh thi, kỳ hình các dị, chúng điểm tề liệt, vi thái tương quai... vi nhi bất phạm, hòa nhi bất đồng” (Hay như khi cùng viết nhiều nét, hình của chúng khác nhau, các nét điểm xếp gần nhau, cần tạo hình thái trái ngược... trái ngược nhưng không phạm nhau, hòa hợp nhưng không giống nhau). Cổ nhân xem trọng sự biến hình của thể thế, các tác phẩm viết về chủ đề này tương đối nhiều, sau đây lấy “bút pháp quyết” của Lý Thế Dân làm ví dụ.
Bút pháp quyết nói: “Phàm hoành họa tịnh ngưỡng thượng phúc thu, ‘thổ’ tự thị dã 凡橫畫仰上覆收,土字是也”. Trong chữ 土, nét hoành thứ nhất ngửa lên trên thì nét thứ hai úp xuống dưới.
Bút pháp quyết nói: “三須解磔,上平、中仰、下覆,‘春’、‘主’ 是也 Tam tu giải trách, thượng bình, trung ngưỡng, hạ phục, ‘xuân’ ‘chủ’ thị dã”. Trong 2 chữ xuân 春, chủ 主 đều có 3 nét hoành, nét hoành thứ nhất viết bằng, nét hoành thứ hai cần cong lên trên, nét hoành thứ ba cần cong xuống dưới, 3 nét hoành không được viết thành các đường thẳng song song.
Bút pháp quyết nói: “彡乃 ‘形’,‘影’字右邊,不可一向為之,須背下撇之 Sam nãi ‘hình’ ‘ảnh’ tự hữu biên, bất khả nhất hướng vi chi, tu bối hạ phiết chi”. Sam 彡 (quán ngư thế) là phần bên phải của chữ hình 形 và ảnh 影, viết 3 nét phẩy này không được viết giống nhau, nét phẩy phía dưới phải khởi bút bắt đầu từ lưng của nét phẩy phía trên, tức là vị trí khởi bút không được đều chằn chặn, cần có sự biến hóa đan xen.
Bút pháp quyết nói: “爻須上磔衄鋒,下磔放出,不可雙出 Hào tu thượng trách nục phong, hạ trách phóng xuất, bất khả song xuất”. Nội dung đoạn này giống với nguyên tắc “nhạn bất song phi” (chim nhạn không bay song song) trong phân thư, hào 爻 có 2 nét mác, để tránh sự giống nhau, nét mác ở bên trên thu và thay đổi hình dạng thành trường điểm, hay gọi là phản nại, nét mác phía dưới cần dùng lực án đốn rồi sau đó từ từ xuất phong. Trong 2 nét mác một nét thu phong, một nét xuất phong tạo thành hình thái đối lập.
Bút pháp quyết nói: “多字四撇,一縮,二少縮,三亦縮,四須出鋒Đa tự tứ phiết, nhất súc, nhị thiểu súc, tam diệc súc, tứ tu xuất phong”. Trong chữ đa 多 có 3 nét phẩy, nét phẩy thứ nhất súc, thứ hai súc một chút, thứ ba xuất phong. Cái gọi là “súc” chính là phần cuối của đường nét cần có ý hồi thu, thao tác này đối lập với xuất phong. Hơn nữa, giữa 3 nét “súc” thì mức độ hồi thu không giống nhau, cũng cần có sự biến hóa giữa hồi thu triệt để và hồi thu một chút.
Bút pháp quyết chỉ ra đối với các nét tương đồng trong 1 chữ cần căn cứ vào hình dạng to nhỏ và vị trí phương hướng tạo ra các loại biến hóa hình thế. Việc biến hóa này để tạo ra sự thiên biến vạn hóa trong kết thể chữ Hán, sự biến hóa ấy là vô cùng, vô tận, không sao kể xiết. Nghiên cứu “Hàn lâm mật luận nhị thập điều dụng bút pháp” thời Tống lại càng thấy sự tỉ mỉ, liệt kê rất nhiều các điều lệ, tuy nhiên tài liệu trên chỉ mang tính chất liệt kê mà thôi, không đưa ra tổng kết và khái quát, chỉ được xem là lí luận kỹ pháp thông thường. Ngày nay, tôi trên cơ sở lí luận đó, cố gắng làm thêm một bước quy nạp các loại hình tương tự vào một nhóm.
Loại hình thứ nhất là giới hạn biến hình nằm ở bản thân đường nét, biến hình của nét hoành vẫn là nằm trong nét hoành, biến hình của nét thụ vẫn là nằm trong nét thụ, ví dụ như hình minh họa 3-11, lấy chữ tam 三 trong hình A làm ví dụ, nó có mấy cách như sau: Trước tiên cần có sự biến hóa của vị trí, không được để hình dạng là hình bình hành, nét hoành thứ nhất cong xuống dưới, có hình dạng ngửa lên trên, nét hoành thứ hai tương đối thẳng, nét hoành thứ ba cong lên trên, có hình dạng úp xuống. Tiếp theo, phải có biến hóa dài ngắn, không được đều chằn chặn, nét hoành thứ nhất dài 1 chút, nét hoành thứ hai dài vừa, nét hoành thứ ba dài nhất. Thêm nữa là cần có sự biến hóa thô tế, dụng bút không được khinh trọng như nhau, nét hoành thứ nhất thô 1 chút, nét hoành thứ hai tế 1 chút, nét hoành thứ ba là thô nhất. Cuối cùng là cần chú ý khởi bút và thu bút không được nhất loạt như nhau, cần có sự biến hóa khai hợp - thu phóng, nét thứ nhất tàng phong, nét thứ hai lộ phong, nét thứ ba cần đặc biệt cường điệu nghịch nhập hồi phong. Những phương pháp biến hình thể thế này thể hiện rất rõ ràng ở các thư pháp gia. Ví như hình B, Mễ Phất viết chữ 里 có tất cả 5 nét hoành, mỗi nét hoành đều không giống nhau, khởi bút có lộ phong, tàng phong không giống nhau, trong các nét tàng phong có phương bút và viên bút khác nhau, vả lại đoạn giữa hoặc dài hoặc ngắn, hoặc thô hoặc tế, 2 nét ngang cuối 1 nét thì ngẩng lên trên, 1 nét thì cong xuống dưới, biến hóa đa đoan.
Loại thứ hai là sự biến hình vượt ra ngoài phạm vi của các đường nét, nét thụ (sổ) có thể biến thành nét phiết (phẩy), nét nại (mác) có thể biến thành nét điểm, nét điểm có thể biến thành các loại đường nét khác nhau. Ví dụ trong hình minh họa 3-12, hình A do Nhan Chân Khanh viết, trong 3 nét sổ thì nét thụ đầu tiên biến thành nét phẩy, phía dưới nét sổ thứ 3 còn có thêm câu, tạo hình của các nét thụ đều không giống nhau. Hình B do Y Bỉnh Thụ viết, nét đầu tiên của chữ 訖 không viết thành nét điểm, cũng không viết thành nét hoành, mà tạo thành nét 人, vô cùng kỳ quái. Thế nhưng xem xét một cách kỹ càng lại cảm thấy hợp tình hợp lý, không xử lý như vậy không được, nếu viết thành nét hoành thì các nét hoành trong bộ ngôn giống nhau quá nhiều, nếu viết thành thành nét điểm thì lại bị trùng lặp với nét điểm phía trên của phần bên phải. Viết thành hình dạng như hiện tại khiến các bộ phận trong kết thể có tròn và có góc tam giác, cách tạo hình như vậy vô cùng sinh động. Hơn nữa, hình dạng của 人 sắc nhọn, phô lực hướng lên trên, còn có tác dụng bổ sung không gian phía trên cho chữ 石, vì chữ石có hình dạng bẹt nên để lại nhiều không gian dư thừa, nét 人 này trong chữ 訖 vừa hay góp phần bổ khuyết cho không gian đó. Từ đó hoàn thiện kết cấu chương pháp. Loại biến hình này không chỉ vượt qua hình dạng của đường nét đó, mà còn vượt qua hình dạng các các loại đường nét cơ bản (tức không thuộc hệ thống đường nét cơ bản), nó thuộc về sáng tạo đặc biệt.
Sự biến hình thể thế của đường nét có thể tiến hành ở chính trong đường nét đó, có nhiều phương pháp khác nhau như: Có ngắn dài, phương viên, tàng phong lộ phong, trên ngửa dưới úp.v.v.. Nếu như thấy rằng như vậy còn chưa đủ để thể hiện ý đồ sáng tác thì còn có thể vượt qua rào cản những đường nét cơ bản ngang, sổ, phẩy, mác, tức là trên cơ sở đường nét cơ bản sáng tạo phương thức biến hình, thậm chí, thêm một bước nữa là không còn bị ràng buộc bởi đường nét thông thường mà sáng tạo ra dạng đường nét đặt biệt như trong chữ 訖 của Y Bỉnh Thụ. Tóm lại, mục đích của biến hình thể thế không chỉ nằm ở việc tạo hình sinh động thú vị, mà giữa chúng còn cần sự biến hóa hài hòa, bất kỳ loại đường nét nào đều có thể tiến hành cải tạo để đạt được hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn.